Chào quê hương bằng tiếng Việt

19/04/2025
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Văn Hóa & Lối Sống
Chào quê hương bằng tiếng Việt

Trong chuyến bay, Amanda Nguyễn mang theo hạt sen, biểu tượng văn hóa Việt Nam, do Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam cung cấp. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã tham dự, chứng kiến chuyến bay và trao thư của Chủ tịch nước Lương Cường gửi tới Amanda Nguyễn. Chủ tịch nước bày tỏ sự tự hào khi lần đầu tiên có một phụ nữ gốc Việt bay vào vũ trụ, khẳng định tài năng và trí tuệ của người Việt tại Mỹ và trên thế giới.

Bố mẹ Amanda là những "thuyền nhân" từ Việt Nam. Cô vẫn thường nhắc lại quá khứ nhọc nhằn của cha mẹ mình, và vẫn luôn nỗ lực kết nối với quê hương qua tà áo dài, những chuyến về nước và các quan hệ hợp tác với Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam. Amanda từng chia sẻ: "Tôi chọn mặc áo dài để thể hiện sự kính trọng với di sản văn hóa của mình. Tôi - dù ở đâu - cũng mang theo di sản và gốc gác của người Việt Nam".

Câu chào giản dị của Amanda khiến tôi nhớ đến Lillie, người phụ nữ gốc Việt, lần đầu về nước sau gần 40 năm xa cách. "Hi em, hi Việt Nam" - Lillie chào - khi vừa nhìn thấy tôi ở sân bay, từng chữ một, dù không thật tròn vành rõ tiếng. "Không ngờ Việt Nam thay đổi quá", chị nhìn ra cửa sổ, thầm thì khi xe chở chúng tôi chạy từ Tân Sơn Nhất về Quận 2.

Trước đó, trong những ngày gặp nhau ở San Diego - California, chị kể cho tôi nghe chi tiết chuyện gia đình chị phải đánh đổi bao nhiêu lượng vàng để rời đi trên một chiếc thuyền ở Phú Quốc, về những gian khổ mà cả nhà gặp phải trong hành trình vượt biên.

Lillie làm đủ mọi việc, từ làm bánh, bán bánh đến kinh doanh nhà hàng, kể từ khi ba chị - một cựu binh của chính quyền miền Nam, bất chấp rủi ro sinh mạng, lựa chọn ra đi.

Còn bây giờ, chị - "thuyền nhân" của 40 năm về trước - quay về với cội nguồn.

Tôi còn dẫn chị ra Hà Nội trong những ngày Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN, để chị trải nghiệm thủ đô đông đúc nhộn nhịp khách du lịch quốc tế. Chúng tôi cũng về Phú Quốc, nơi chị sinh ra và sẽ là điểm đăng cai APEC 2027. Vùng đất này, trong ký ức của Lillie, chỉ có vài làng chài nghèo, mấy trụ tiêu xơ xác giữa nắng và thi thoảng mùi nước mắm bay bay.

Trong suốt hành trình ấy, chúng tôi đã không khỏi nhắc tới ngày 30/4 sắp đến.

Lillie đồng tình với tôi rằng dù sống ở đâu, mỗi người Việt có liên quan, nhân dịp này đều nhớ lại một giai đoạn nhiều mất mát, chia cắt. Ký ức mang theo của mỗi phía từng có những đứt gãy: giữa thế hệ sinh ra trong chiến tranh và thế hệ lớn lên trong hòa bình; giữa người ở lại và người ra đi; giữa lịch sử và hiện thực phát triển. Câu hỏi chung có thể là: những đứt gãy đó sẽ liền lại như thế nào?

Lịch sử là thứ không thể thay đổi, nhưng cách ta tiếp cận và đối thoại với lịch sử có thể là một thay đổi mang tính lựa chọn chủ động. Vượt lên lịch sử không có nghĩa là xóa bỏ quá khứ, mà là dám đối diện với những ký ức đau thương, để hóa giải và bước tiếp.

Để đi đến hòa hợp, trước tiên phải thừa nhận sự đa dạng, thậm chí là mâu thuẫn trong ký ức. Mỗi người, mỗi nhóm cộng đồng đều có cách riêng để nhìn về lịch sử. Một xã hội trưởng thành không phải là xã hội đồng thuận tuyệt đối, mà là xã hội biết chấp nhận sự khác biệt và biết cùng nhau tìm điểm chung cho tương lai.

Hòa hợp dân tộc cũng không thể đạt được khi thiếu sự lắng nghe từ các bên, không để xét đoán, mà để thấu hiểu.

Thực tế cho thấy, những quốc gia từng qua xung đột đều buộc phải đối mặt với ký ức đau thương thay vì né tránh. Và điều làm nên sự phục hồi của họ không chỉ là các chính sách kinh tế, mà chính là quyết tâm chính trị và sự dũng cảm của xã hội để tha thứ và hàn gắn.

Việt Nam cũng tương tự, không thể phát triển một cách vững chắc nếu trong lòng dân tộc vẫn còn những "biên giới mềm" - những định kiến vô hình hay những tổn thương chưa được xoa dịu. Hòa bình không chỉ là kết thúc chiến tranh, mà là sự bình an thực sự trong lòng người.

Nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực, từ việc thay đổi tư duy, ban hành các chủ trương hợp tác, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho tới việc định hướng chính sách... nhằm đoàn kết dân tộc, hướng tới việc phát huy tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài Việt Nam.

Tôi chia sẻ với Lillie đề xuất của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng "nới lỏng" các điều kiện nhập tịch và trở lại quốc tịch Việt Nam. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 3/2025, đã có 311 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam và 7.014 người được nhập quốc tịch Việt Nam, trong đó nhiều trường hợp được giữ song tịch.

Lillie từng nhiều lần bày tỏ, chị muốn trở về Việt Nam, như một người Việt Nam thực thụ, chứ không phải "như một người khách" biết chào bằng tiếng Việt.

Không ai chọn được nơi mình sinh ra, nhưng mỗi người đều có quyền chọn nơi để sống và cống hiến. Và một quốc gia đủ không gian để dung nạp sự khác biệt về lịch sử, lý tưởng hay trải nghiệm, quốc gia đó sẽ là nơi ai cũng cảm thấy mình thuộc về.

Huỳnh Hồ Đại Nghĩa

Tin liên quan
Tin Nổi bật