Mặc dù nổi tiếng thế giới với hệ thống pháp luật khoan hòa, Australia coi việc áp dụng các hình phạt thể chất với trẻ mầm non là hành vi phạm pháp nghiêm trọng. Điều này giúp ngăn ngừa các thảm kịch có thể xảy ra với trẻ mầm non, những đối tượng không đủ nhận thức và sức lực để tự bảo vệ mình.
Việt Nam cũng có những khung pháp lý tương tự. Giáo viên đánh trẻ mầm non có thể bị khởi tố theo Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Hành hạ người khác (Điều 140), Cố ý gây thương tích và gây tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 134) với tình tiết tăng nặng do vi phạm Luật Trẻ em. Để gây dựng niềm tin của phụ huynh, nhiều cơ sở đã lắp camera cho cha mẹ theo dõi hoạt động của con ở trường. Tuy nhiên, nạn bạo hành trẻ em ở các cơ sở giáo dục vẫn tiếp diễn hàng năm. Tôi nghĩ hiện trạng này xuất phát từ ba lý do.
Một là, quy định về điều kiện trở thành giáo viên mầm non "khó khăn" một cách không thực sự cần thiết, mang tính "vừa thừa vừa thiếu" nhưng không được giám sát chặt chẽ trong thực tế triển khai. Để được công nhận là giáo viên mầm non thấp nhất là hạng III, cần phải có bằng cao đẳng, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản. Theo tôi, không nhất thiết phải đòi hỏi tin học văn phòng với người muốn làm cô giáo mầm non.
Thống kê cho thấy, tính đến tháng 4/2025, Việt Nam có khoảng 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn (chiếm gần 9%). Nhưng con số thống kê có thể không phản ánh sát thực tế, đặc biệt là ở các cơ sở trông trẻ tư thục. Sự buông lỏng quản lý, giám sát khiến cho nhiều chủ nhà trẻ thuê mướn những người hoàn toàn không được đào tạo gì. Cháy nhà ra mặt chuột - những vụ bạo hành trẻ gần đây đồng thời cũng phơi bày chân dung thực thụ của các bảo mẫu tại nhiều cơ sở trông trẻ. Lời bào chữa của cô giáo ở Bắc Ninh - người vừa lôi trẻ vào góc khuất để đánh - rằng, đó là do gia đình cô "có chuyện" và cô "chưa kiểm soát được cảm xúc" cho thấy rất rõ sự thiếu hụt các kỹ năng cơ bản cho một người được đào tạo để làm việc với trẻ em.
Để thành cô giáo mầm non ở Australia chỉ cần 6 tháng đào tạo chứng chỉ với 17 tín chỉ. Giáo viên được đào tạo về dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe và tâm lý trẻ nhỏ. Tuy nhiên điều kiện này là bắt buộc và được giám sát chặt chẽ với mọi cơ sở, bất kể công tư hay cấp học bậc mầm non.
Mọi quy định đào tạo trên văn bản sẽ trở thành vô nghĩa nếu người trực tiếp đảm nhận công việc trên thực tế không trải qua quá trình đào tạo.
Hai là tính ràng buộc trách nhiệm còn thấp. Một điều có thể thấy rõ qua các vụ bạo hành trẻ ở Việt Nam là chúng đều không được phát hiện bởi cơ sở đào tạo. Đồng nghiệp, quản lý gần như là "mắt điếc tai ngơ" trước sự việc. Thậm chí có những vụ còn có sự tham gia của hai người. Chi phí bỏ ra để thành lập cơ sở trông trẻ là không hề nhỏ. Nếu phải đóng cửa và bị cấm kinh doanh, tôi cho rằng chủ cơ sở sẽ phải đôn đốc nhân viên thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Khi đó, chủ cơ sở sẽ là người đầu tiên lao ra can ngăn khi thấy trẻ bị đánh, chứ không phải chỉ xin lỗi khi phụ huynh kéo đến tận trường hay đăng lên mạng xã hội. Vậy nên, sự ràng buộc trách nhiệm cần được nâng lên để tăng cường giám sát hành vi phản sư phạm.
Thứ ba là tính thiếu nhất quán trong giáo dục. Do suy nghĩ "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", vẫn có rất nhiều gia đình thường xuyên giáo dục con cái bằng đòn roi. "Không ai được đánh con tôi, nhưng con tôi thì tôi được đánh". Điều này làm lu mờ những lời cảnh cáo về bạo hành trẻ em. Các cô giáo mầm non không được đào tạo sẽ nghĩ rằng việc đánh trẻ là bình thường khi nghe bố mẹ nói: "Đánh con hôm nay, để ngày mai đời khỏi đánh". Một mặt, tôi có thể hiểu được những áp lực của bậc làm cha mẹ. Giáo viên được đào tạo sư phạm để dạy dỗ trẻ, nhưng cha mẹ thì không. Điều này dễ gây ức chế và hành xử sai. Tuy nhiên, mặt khác, bạo hành trẻ, đặc biệt là trẻ mầm non, cần bị nghiêm cấm ở mọi nơi, dưới mọi hình thức.
Điều khiến tôi day dứt là các cô giáo hoàn toàn ý thức được điều mình đang làm là sai mà vẫn không chùn tay. Cô giáo ở Bắc Ninh kéo trẻ ra khỏi camera, cô giáo ở Kon Tum còn mang vào nhà vệ sinh để đánh. Nếu muốn hành hạ trẻ, cô giáo mầm non sẽ có những cách hết sức tinh vi, khó tìm ra dấu vết.
Tôi thật sự không biết những giáo viên mầm non kia nghĩ gì, nhưng mỗi lần thấy những video như thế, tôi lại thấy lòng đau thắt như ai đang tát con mình.
Tô Thức